Mục lục
Vị trí địa lý Hà Nội góp phần không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội cũng như mạng lưới giao thông Thủ đô. Theo dõi bài viết dưới đây của vnbaolut.net để tìm hiểu rõ hơn về vị trí địa lý của mảnh đất ngàn năm văn hiến nhé.
Vị trí địa lý Hà Nội
Hà Nội được xem là vùng đất “địa linh – nhân kiệt và là trung tâm đầu não về kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học kĩ thuật cả nước. Vì vậy, vị trí địa lý Hà Nội có nhiều điểm nổi bật nhằm đáp ứng điều kiện để trở Thủ đô của quốc gia. Vậy Hà Nội nằm ở đâu? Vị trí địa lý Hà Nội trên bản đồ ra sao?
Vị trí địa lý và giới hạn địa hình Hà Nội
Vị trí địa lý Hà Nội nằm ở phía Tây Bắc của trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, địa hình bao gồm vùng đồng bằng trong trung tâm và vùng đồi núi ở phía Bắc, phía Tây.
Hà Nội nằm từ 21.0278° vĩ độ Bắc và 105.8342° kinh độ Đông, địa hình tiếp giáp với hai tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hòa Bình ở phía nam, ba tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ.
4 tọa độ điểm cực của Hà Nội bao gồm:
- Điểm cực Bắc: Thuộc thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn
- Điểm cực Nam: Thuộc khu danh thắng Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức
- Điểm cực Tây: Thuộc thôn Lương Khê, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì
- Điểm cực Đông: Thuộc thôn Cổ Giang, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm
Diện tích tự nhiên của Hà Nội
Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.360 km² với dân số 8,33 triệu người. Hiện Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích lớn nhất cả nước. Đồng thời là thành phố số dân và mật độ dân số cao thứ hai trong tổng 63 tỉnh, thành Việt Nam. Cư dân Thủ đô chủ yếu là dân tộc Kinh, một số dân tộc thiểu số như: Tày, Mường, Dao… chiếm tỉ lệ rất thấp ở ngoại ô thành phố.
Thuỷ văn Hà Nội
Được hình thành từ vùng châu thổ sông Hồng, do có nét đặc trưng của vị trí địa lý Hà Nội nên Thủ đô còn có tên gọi là “Thành phố trong sông” hay “Thành phố sông hồ”. Hiện nay có 7 con sông lớn nhỏ chảy qua địa phận thành phố gồm: sông Đuống, sông Đà, sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Cà Lồ và sông Cầu.
Ở nội thành Thủ đô, ngoài 2 con sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch còn có hệ thống đầm hồ làm đường tiêu thoát nước thải của thành phố. Tại các quận, phường Hà Nội vẫn còn hàng trăm đầm hồ lớn nhỏ, nổi tiếng như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu, hồ Linh Đàm, Thiền Quang, Yên Sở,…Những hồ nước không chỉ đóng vai trò chứa nước cho thành phố mà còn là hệ thống điều hòa nhiệt độ vùng đô thị nội thành giảm bớt sức nhiệt từ các trụ khối bê tông, sắt thép toả ra.
Ngoài ra, các hồ đầm này còn là những danh lam thắng cảnh, tạo nên nét đặc trưng về văn hóa du lịch của Thủ đô.
Ảnh hưởng của vị trí địa lý Hà Nội đến khí hậu, thời tiết
Hà Nội nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, do đó thời tiết Thủ đô có đặc trưng nổi bật là gió mùa ẩm, nóng và mưa nhiều vào mùa hè, lạnh và ít mưa vào mùa đông. Thời tiết Hà Nội được chia thành 4 mùa rõ rệt trong một năm:
- Mùa xuân: Bắt đầu từ tháng 2 (tháng giêng âm lịch) và kéo dài đến hết tháng 4.
- Mùa hạ: Bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, thời tiết nóng bức và mưa nhiều.
- Mùa thu: bắt đầu từ cuối tháng 8 đến hết tháng 10, trời mát mẻ, dễ chịu.
- Mùa đông: bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, thời tiết lạnh giá và ít mưa.
Sự phân chia các mùa trong năm ở Hà Nội chỉ mang tính chất tương đối. Vì có năm, Hà Nội bắt đầu mùa đông từ rất sớm, có năm lại muộn. Thủ đô có lượng bức xạ mặt trời khá lớn quanh năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm đạt khoảng 120 kcal/cm², độ ẩm trung bình cao 80 – 82%, nhiệt độ trung bình năm là 24,9°C, lượng mưa trung bình trên 1700mm/năm (mưa khoảng 114 ngày/năm)
Các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Hà Nội
Thủ đô Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã với 579 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 360 xã, 199 phường và 20 thị trấn. Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất của nước ta có thị xã.
- 12 quận gồm quận Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm.
- 17 huyện bao gồm: Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì, Thanh Oai, Hoài Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, Mê Linh và Sóc Sơn.
- 1 thị xã là thị xã Sơn Tây, nằm cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km ở phía Tây.
Vị trí địa lý Hà Nội tác động đến kinh tế – xã hội
Vị trí địa lý Hà Nội trên bản đồ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Cách thành phố Hải Phòng khoảng 120km, cách thành phố Nam Định khoảng 87km đã tạo nên 3 cực kinh tế chính của đồng bằng sông Hồng. Nằm ở vị trí thuận lợi về cả tự nhiên và xã hội đã giúp thành phố trở thành đầu kinh tế phía Bắc với tốc độ phát triển nhanh trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và đóng góp rất lớn cho ngân sách đất nước.
Vị trí địa lý Hà Nội ảnh hưởng đến giao thông vận tải
Nằm ở vị trí trung tâm Bắc Bộ, Hà Nội là nút giao thoa của các tuyến đường huyết mạch và phương tiện vận chuyển từ nhiều tỉnh thành. Vì vậy, vị trí địa lý Thủ đô đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của cả nước.
- Giao thông đường bộ: Hà Nội được xem là trung tâm mạng lưới giao đông đường bộ của quốc gia và tỉnh lộ. Nhiều tuyến quốc lộ lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 2 và Quốc lộ 5 đi qua Hà Nội, giúp kết nối nhanh chóng với các khu vực và tỉnh thành lân cận. Hiện Thủ đô cũng có hệ thống đường cao tốc bao gồm cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Thái Nguyên. Đặc biệt hệ thống tàu điện ngầm hiện đại đã đang và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.
- Giao thông đường sắt: Ga Hà Nội là ga chính Thủ đô, nằm trên tuyến đường sắt Bắc Nam. Là phương tiện vận chuyển hàng hóa và hành khách quan trọng của cả nước.
- Giao thông hàng không: Sân bay Quốc tế Nội Bài cách trung tâm thành phố khoảng 45km về phía Tây. Là sân bay lớn nhất và quan trọng nhất của phía Bắc nước ta, phục vụ hàng triệu lượt khách nội địa và quốc tế mỗi năm và là điểm kết nối của Hà Nội với các tỉnh thành cả nước cũng như các quốc gia khác.
- Giao thông đường thủy: Hà Nội vẫn có hệ thống giao thông đường thủy phát triển mặc dù không có sông lớn chảy qua trung tâm thành phố. Sông Hồng là tuyến đường thủy huyết mạch, cho phép vận chuyển hàng hóa và hành khách qua các tỉnh lân cận.
Có thế thấy, vị trí địa lý Hà Nội rất thuận lợi, đã tạo điều kiện để phát triển hệ thống giao thông vận tải đa dạng. Từ đó thúc đẩy kinh tế và du lịch thành phố phát triển.
Vị thế địa quân sự – chính trị của Hà Nội
Vị trí địa lý của Thủ đô Hà Nội trên bản đồ đóng vai trò rất lớn trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và chính trị Việt Nam.
- Vị thế địa lý quân sự: Nằm ở phía Bắc nước ta và là khu vực Đồng Bằng Sông Hồng gần biên giới với Trung Quốc. Vị trí này có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia .
- Vị thế chính trị: Thủ đô Hà Nội trung tâm chính trị Việt Nam. Bộ máy nhà nước, các sự kiện mang tính chất nội bộ được tổ chức ở đây, hay các sự kiện thế giới đăng cai tổ chức ở nước ta đều nằm ở Hà Nội. Đặc biệt, trong bố cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, vị thế chính trị quan trọng của Thủ đô lại càng được thể hiện rõ.
Vị thế địa quân sự và chính trị của Hà Nội đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Thủ đô không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là điểm tựa vững chắc trong công cuộc bảo vệ hoà bình đất nước và xây dựng mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với các quốc gia trên thế giới.
Hi vọng với những thông tin về vị trí địa lý Hà Nội mà Vnbaolut chia sẻ giúp các bạn có thêm những hiểu biết và kiến thức bổ ích về mảnh đất ngàn năm văn hiến.